Với một cửa hàng nhượng quyền thương hiệu (franchise), bạn có thể gặt hái những lợi ích của việc sở hữu doanh nghiệp mà không phải bắt đầu từ con số không. Bạn có thể có trong tay những công cụ cũng như định hướng từ một doanh nghiệp quy mô lớn hơn, mà “niềm vui” của họ không gì khác ngoài việc chứng kiến bạn thành công!
Vậy bạn có đang dự định đầu tư một cửa hàng nhượng quyền thương hiệu của riêng mình? Bài viết này sẽ thảo luận về nhượng quyền thương hiệu, những loại nhượng quyền khác nhau, và tại sao bạn nên hay không nên đầu tư một cửa hàng như vậy.
Nhượng quyền thương hiệu là giấy phép được cấp cho một cá nhân hoặc tổ chức để bán các sản phẩm và dịch vụ của một công ty dưới tên gọi của công ty đó. Nếu không đạt được thỏa thuận nhượng quyền thương hiệu rõ ràng và cụ thể, một cá nhân sẽ không bao giờ được phép bán bất kỳ sản phẩm thương mại nào từ công ty.
Nhượng quyền thương hiệu có thể được xem là một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, trong đó bên nhượng quyền (công ty) hỗ trợ toàn diện cho bên được nhượng quyền, đổi lại là một khoản phí bản quyền được trả đều đặn theo kỳ hạn thỏa thuận. Thông qua mối quan hệ này, bên được nhượng quyền (cá nhân) có thể giúp mở rộng khả năng tiếp cận của công ty mẹ và đưa nhiều sản phẩm thương mại đến nhiều khách hàng hơn.
Mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu thường được gọi là một mô hình kinh doanh “lai” và có thể được chia thành 2 dạng chính.
Nhượng quyền phân phối sản phẩm, còn được gọi là nhượng quyền truyền thống, là thỏa thuận trong đó bên nhượng quyền cho phép bên được nhượng quyền bán các sản phẩm cũng như sử dụng thương hiệu của mình. Dạng nhượng quyền này sẽ liên kết một nhà sản xuất đơn lẻ với một mạng lưới các nhà phân phối.
Ví dụ, giả sử bạn sở hữu một đại lý ô tô và muốn bán dòng xe Jeep. Trong trường hợp đó, bạn cần một thỏa thuận phân phối sản phẩm với Jeep để bán xe của họ, và sử dụng thương hiệu Jeep trong quảng cáo hay khuyến mãi.
Nhượng quyền mô hình kinh doanh là thỏa thuận trong đó bên nhượng quyền cung cấp cho bên được nhượng quyền các chương trình tập huấn, hỗ trợ quảng cáo, và những sự trợ giúp khác để bên nhượng quyền bắt đầu kinh doanh. Mô hình nhượng quyền này mang lại cho bên nhượng quyền lợi nhuận chủ yếu từ hoa hồng và phí bản quyền.
Ví dụ, nếu bạn muốn mở một cửa hàng McDonald, bạn phải đạt được thỏa thuận nhượng quyền mô hình kinh doanh. Khi bạn thống nhất chi phí ban đầu và đặt bút ký hợp đồng (thỏa thuận nhượng quyền), McDonald sẽ giúp bạn thiết lập hoạt động kinh doanh bằng cách tập huấn cho bạn trong vài tuần, giúp bạn xác định nơi nên xây cửa hàng, cung cấp cho bạn các liên hệ cần thiết trong chuỗi cung ứng, và định hướng cho bạn một khi cửa hàng nhượng quyền của bạn đi vào hoạt động.
Dù bạn chọn nhượng quyền phân phối sản phẩm hay mô hình kinh doanh, thì chúng đều có những ưu và nhược điểm riêng cần cân nhắc.
Một trong những thách thức mà mọi người gặp phải khi khởi đầu kinh doanh là làm sao để đạt được nhận diện thương hiệu. Sự bão hòa của thị trường là rào cản lớn đối với các doanh nhân mới chân ướt chân ráo tập tành kinh doanh – và sẽ mất rất nhiều nỗ lực mới giúp bạn nổi bật so với các đối thủ khác. Một thỏa thuận nhượng quyền thương hiệu mang lại cho bạn sự tín nhiệm và độ đáng tin cậy, và thu hút được các khách hàng trung thành của thương hiệu mà bạn được nhượng quyền.
Bên nhượng quyền thường cung cấp các chương trình hoạch định tài chính, phân tích và quản lý chuỗi cung ứng, cũng như các đợt tập huấn chuyên sâu cho bên được nhượng quyền. Nếu không có những tài nguyên đó, nhiều doanh nhân sẽ gặp khó khăn trong tìm kiếm và xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Các sản phẩm hoặc dịch vụ của bên nhượng quyền thường đã được thử thách trên thị trường và có một sức mạnh nhất định trong tâm trí người tiêu dùng. Điều đó khiến việc đầu tư vào họ trở thành một chiến lược thông minh đối với các doanh nhân quan tâm đến sự lâu bền của doanh nghiệp mà mình bỏ công sức ấp ủ từ lâu.
Khoản đầu tư ban đầu thường là rào cản đối với mô hình kinh doanh này. Và ngay cả nếu bạn đủ sức để thực hiện thỏa thuận ban đầu, bạn vẫn phải trả các khoản phí bản quyền định kỳ cho công ty mẹ trong quá trình kinh doanh. Các khoản phí bản quyền thường giao động từ 4 – 12% lợi nhuận, dù một số công ty có chính sách thu phí cố định mỗi tháng.
Dù công ty mẹ sẽ trao cho bạn quyền kinh doanh thương hiệu của họ, nhưng họ cũng quy định bạn có thể và không thể làm gì với nó, bao gồm những thứ như loại sản phẩm bạn được phép bán hoặc giá cả của chúng. Bên nhượng quyền thậm chí có thể buộc bạn phải chuyển địa điểm kinh doanh nếu họ nhận thấy cần phải làm vậy.
Các doanh nghiệp lớn có thể “nổ” về sự thành công của họ và những lợi thế mà bạn có thể có được khi ký hợp đồng nhượng quyền với họ – nhưng trên thực tế, sai lệch thông tin là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Các công ty mẹ, đặc biệt là các công ty mới nổi, có thể khoe khoang về khả năng sinh lời cũng như mức độ uy tín của họ, nhưng nếu không tìm kiếm thông tin kỹ càng, bạn có thể đầu tư nhầm vào một công ty không có giá trị thương hiệu thực tế.
Các doanh nhân có thể khám phá rất nhiều mô hình kinh doanh khác nhau tùy thuộc mục tiêu và sở thích. Các mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu nhìn chung an toàn hơn, nhưng khả năng sinh lời cũng kém hơn kinh doanh độc lập. Nếu bạn xác định sự đánh đổi đó là chấp nhận được, thì hãy cân nhắc nhượng quyền thương hiệu.
Kinh nghiệm mua nhượng quyền thương hiệu
|
Các thương hiệu nhượng quyền tại Việt Nam | Tại sao phải nhượng quyền thương hiệu | Các công ty nhượng quyền thương hiệu |
Phí nhượng quyền thương hiệu | Các sản phẩm, nhượng quyền thương hiệu | Xu hướng nhượng quyền thương hiệu hiện nay | Mua nhượng quyền thương hiệu |
Bài liên quan