Bạn đang thắc mắc về sự khác nhau giữa Google Workspace và G Suite? Điều gì đã xảy ra với G Suite?
Vào tháng 10/2020, Google đã chính thức đổi tên G Suite thành Workspace, và dưới đây là những thông tin quan trọng về nền tảng này mà bạn cần biết.
Bất kể bạn là khách hàng của G Suite, hay chỉ đơn giản là tò mò, bạn có lẽ tự hỏi liệu sản phẩm mới này sẽ có tác động gì đối với các ứng dụng phổ biến nhất của Google? Trên thực tế, bạn có thể tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ yêu thích của mình, cùng với nhiều tính năng mới đặc sắc.
Vậy thì Google Workspace là gì, nó mang lại những tiện ích nào, tương lai của G Suite ra sao, và điều gì sẽ diễn ra nếu bạn đang là một khách hàng của G Suite?
G Suite, trước đây có tên gọi là Apps for Work, là một nền tảng làm việc trực tuyến cực kỳ phổ biến của Google, với nhiều công cụ cộng tác và năng suất trực tuyến được hơn 6 triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới tin dùng.
Tuy nhiên, vào tháng 10/2020, thương hiệu G Suite bỗng bị xóa sổ, khi Google (một lần nữa) đổi tên nó thành Google Workspace.
Không đơn thuần là sự thay đổi về thương hiệu, Google Workspace còn muốn xóa nhòa lằn ranh ngăn cách các ứng dụng riêng lẻ của Google. Thay vì phân chia rõ ràng Gmail, Google Sheets, Calendar, và Drive, chúng ta bắt đầu thấy các ứng dụng này khoác lên mình một giao diện thống nhất.
Mang lại một trải nghiệm người dùng (UX) liền mạch hơn có thể giúp tăng cường năng suất làm việc. Theo Demystifying the desktop, một nhân viên thông thường sẽ chuyển qua lại giữa 35 ứng dụng cần cho công việc của họ hơn 1.100 lần mỗi ngày!
Mỗi lần chuyển như vậy sẽ tiêu tốn thời gian không cần thiết (dù chỉ vài giây, nhưng hãy cộng dồn lại mà xem). Nghiên cứu chỉ ra rằng, một nhân viên có thể lãng phí đến 60 phút mỗi ngày chỉ để di chuyển giữa các ứng dụng. Có nghĩa là doanh nghiệp của bạn sẽ mất 32 ngày/nhân viên/năm!
Bằng cách kết hợp nhiều ứng dụng vào một giao diện người dùng (UI) liền mạch hơn, các giải pháp như Google Workspace có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp của bạn một lượng thời gian đáng kể. Workspace còn tập trung hơn vào làm việc nhóm và cộng tác từ xa.
Trong bối cảnh dịch bệnh như vài năm trở lại đây, thay đổi thương hiệu G Suite thành một giải pháp thiên về làm việc từ xa rõ ràng là một nước đi hợp lý. Cả Google và Facebook từng cho phép nhân viên làm việc tại nhà cho đến sớm nhất là tháng 7/2021. Trong khi Twitter, Square, và Microsoft đều cho đội ngũ lao động của họ lựa chọn làm tại nhà mãi mãi.
Thậm chí, còn có bằng chứng khẳng định 92% nhân viên các công ty hiện nay muốn làm việc tại nhà. Điều đó có thể giải thích tại sao Google lại muốn tái phát minh các sản phẩm của mình để biến chúng thành một nền tảng làm việc từ xa hiệu quả.
Nếu đang dùng gói G Suite, thì bạn có lẽ đã nhận được email thông báo từ Google, trong đó nêu chi tiết tác động của thay đổi này lên tổ chức của bạn. Và họ cũng đề xuất đưa bạn – tức khách hàng của họ – sang Google Workspace càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng gói G Suite theo năm hoặc theo thời gian cố định, thì gói này sẽ tiếp tục cho đến ngày hết hạn. Khách hàng G Suite Enterprise cũng sẽ tự động được chuyển sang gói Google Workspace Enterprise mới.
Tính đến thời điểm này, chưa có ứng dụng nào trong G Suite bị đưa vào diện ngừng hoạt động cả. Tuy nhiên, các công cụ mà bạn đã quen thuộc sẽ có biểu tượng mới như dưới đây:
Nếu chưa thấy thay đổi, bạn nên chờ đợi đôi chút.
Google Workspace không đơn thuần là G Suite đổi tên. Google đã trang bị cho nền tảng này khá nhiều tính năng mới thú vị.
Với Workspace, Google hướng đến mục tiêu kết hợp các phương thức giao tiếp vào một giao diện duy nhất. Và dường như ý tưởng này sẽ tiếp tục được họ mở rộng trong tương lai.
Google Workspace sẽ tích hợp chặt chẽ Meet, Chat, và Rooms với các ứng dụng khác của hãng. Đây quả là tin tốt với bất kỳ ai phải thường xuyên chuyển qua lại giữa email, nhắn tin, gọi điện âm thanh, và gọi điện video.
Các tính năng mới khác bao gồm tạo tài liệu trực tiếp trong Chat. Người dùng có thể cùng nhau biên tập các tài liệu này bên trong Chat room.
Theo Google, người dùng Workspace cũng sẽ xem trước được các tập tin liên kết trong Docs, Sheets, và Slides. Nhờ đó, bạn có thể cùng cộng tác biên tập tài liệu mà không cần phải mở nó ra trong tab mới.
Để mang lại trải nghiệm giao tiếp liền mạch hơn nữa, bạn có thể xem chi tiết về các liên hệ trong tài liệu Workspace. Mỗi khi bạn nhắc đến ai đó trong tài liệu (bằng cách gõ @tên-người-đó), Workspace sẽ mở ra một menu popup gọi là “smart chip”.
Popup này sẽ hiển thị thông tin liên hệ của người dùng, cộng với các đề xuất hữu ích như bắt đầu gọi video, hoặc gửi email. Các liên hệ ở đây bao gồm cả những người không làm cùng công ty với bạn.
Vào tháng 7/2020, Google công bố tích hợp tính năng picture-in-picture của Meet vào Gmail và Chat, cho phép bạn thấy và nghe người mình đang cùng làm việc.
Google còn đưa picture-in-picture của Meet vào Docs, Sheets, và Slides. Đây là một thay đổi hữu ích đối với các doanh nghiệp đang sử dụng nền tảng này để cộng tác làm việc từ xa.
Nói đến giá cả, Google Workspace đi theo mô hình tương tự G Suite. Gói rẻ nhất, Business Starter, 6 USD/tháng. Khách hàng muốn nhiều dung lượng lưu trữ hơn và được hỗ trợ trong các buổi họp quy mô lớn hơn có thể chọn gói Business Standard, giá 12 USD/người dùng/tháng.
Mức giá này đặt Google Workspace vào phân khúc với các giải pháp làm việc từ xa toàn diện khác, đặc biệt là Microsoft 365. Microsoft cung cấp gói Business Basic với giá 5 USD/người dùng/tháng, và Business Standard giá 12,5 USD/người dùng/tháng.
Tuy nhiên, Google Workspace cũng giới thiệu một gói trả phí mới. Gói Business Plus có giá 18 USD/người dùng/tháng, bao gồm nhiều nâng cấp so với gói Standard, như tăng cường bảo mật, nhiều không gian lưu trữ hơn, và tăng số lượng người tối đa tham gia một cuộc họp.
Giá này cũng tương đương các giải pháp làm việc từ xa phổ biến khác. Microsoft có gói Business Premium giá 20 USD/người dùng/tháng.
Cần lưu ý là mô hình giá mới chỉ áp dụng với khách hàng doanh nghiệp. Giá dành cho khách hàng giáo dục và phi lợi nhuận không có sự thay đổi nào.
G Suite hiện đã là Google Workspace. Google muốn kết hợp các ứng dụng riêng lẻ của họ vào một UI thống nhất hơn, với trọng tâm là làm việc nhóm từ xa.
Workspace cũng giới thiệu một số tính năng mới, bao gồm khả năng xem trước các tập tin liên kết trong Docs, Sheets, và Slides. Nó còn cung cấp smart chip chứa thông tin liên hệ khá hữu ích và chế độ picture-in-picture cho nhiều ứng dụng khác nhau.
Google Workspace là gì
|
Google Workspace đăng nhập | Google Workspace miễn phí | Giá Google Workspace |
Google Workspace pricing | Thanh toán Google Workspace | Hướng dẫn đăng ký Google Workspace | Tài khoản Google Workspace |
Bài liên quan