Cloud deployment (triển khai điện toán đám mây) là quá trình chuyển đổi các ứng dụng và dịch vụ từ cơ sở hạ tầng tại chỗ sang đám mây. Đây có thể là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm lãnh đạo doanh nghiệp, quản trị viên CNTT và người dùng cuối.
Vậy cloud computing có thể được triển khai theo những mô hình nào? Hãy cùng Hostify.vn tìm hiểu tiếp nhé!
Mô hình Cloud deployment là khái niệm bao hàm các cloud service (dịch vụ đám mây) mà bạn đang sử dụng, cũng như vai trò và vị trí của các bên quản lý. Nó nêu rõ cloud architecture (kiến trúc đám mây) của bạn, khả năng mở rộng của các tài nguyên điện toán, các dịch vụ được cung cấp cho bạn, và tỷ lệ sở hữu của bạn đối với đám mây. Các mô hình Cloud deployment còn thể hiện mối liên hệ giữa hạ tầng đám mây và người dùng đám mây (hay nói cách khác, những yếu tố mà người dùng được phép thay đổi hay thực hiện).
Mỗi khi nghe đến những thuật ngữ như “cloud”, “cloud computing”, hay “cloud service”, bạn hẳn nghĩ đến những tài nguyên điện toán mà một bên nào đó đang quản lý – nhưng thực ra, đó chỉ là một trong các mô hình Cloud deployment mà chúng ta sẽ nói kỹ hơn ở phần dưới, cụ thể là “đám mây công cộng” (public cloud). Đó là mô hình mà nhà cung cấp dịch vụ đám mây sở hữu và quản lý mọi máy chủ, hệ thống mạng, và phần cứng.
Nếu bạn sử dụng đám mây công cộng, nhưng cũng sở hữu cả máy chủ vật lý hay trung tâm dữ liệu của riêng mình, và muốn sử dụng kết hợp cả hai, thì đó là mô hình Cloud deployment được biết đến với tên gọi “đám mây lai” (hybrid cloud).
Kể cả khi bạn không hề sử dụng public cloud, bạn vẫn có thể tận dụng những ưu thế của điện toán đám mây. Đó là bởi trung tâm dữ liệu của chính bạn hoàn toàn có thể lưu trữ một “đám mây riêng tư” (private cloud), trong đó bạn là người cung cấp các dịch vụ trừu tượng hóa phần cứng và hạ tầng vật lý.
Có 5 mô hình Cloud deployment phổ biến nhất hiện nay, và mỗi mô hình sẽ phù hợp với một nhóm đối tượng người dùng nhất định. Không có mô hình nào được xem là “tốt nhất”, nhưng với một nhu cầu cụ thể, sẽ có mô hình “hiệu quả nhất”.
Mô hình Cloud deployment “public cloud” có đặc điểm nổi bật là bạn không sở hữu bất cứ phần cứng hay hạ tầng nào. Tất cả tài nguyên bạn sử dụng được cung cấp bởi một nhà cung cấp dịch vụ đám mây. “Public” ở đây có nghĩa là đám mây sẵn sàng cho mọi người, và tài nguyên sẽ được chia sẻ giữa tất cả người dùng – đó là lý do mô hình này được gọi là “đa nhiệm phần mềm”.
Với mô hình “public cloud”, bạn được cung cấp đủ tài nguyên để phục vụ nhu cầu mà không tốn quá nhiều chi phí đầu tư ban đầu. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây thường tính phí theo lượng tài nguyên sử dụng, và bạn có thể yêu cầu cấp thêm hoặc giảm bớt tài nguyên tùy thuộc tình hình. Public cloud còn đi kèm nhiều dịch vụ khác bên cạnh máy ảo, mạng, và lưu trữ dữ liệu.
Tuy nhiên, khi sử dụng public cloud, bạn phải chấp nhận rủi ro bị rò rỉ dữ liệu nhạy cảm, và mọi thứ bạn muốn sử dụng đều tốn một khoản phí nhất định!
Ví dụ điển hình của mô hình Cloud deployment public cloud là Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure, IBM Cloud, và Google Cloud.
Mô hình Cloud deployment “private cloud” khác với public cloud ở chỗ nó là một môi trường chuyên biệt dành cho một tổ chức hoặc doanh nghiệp duy nhất. Phần cứng và tài nguyên không được chia sẻ với người ngoài. Điểm khác biệt chính giữa một trung tâm dữ liệu và một private cloud là cách quản lý và phân phối tài nguyên.
Với mô hình private cloud, rủi ro rò rỉ dữ liệu được giảm thiểu bởi đám mây chỉ giới hạn trong doanh nghiệp của bạn, và bạn nắm quyền kiểm soát lớn hơn đối với hệ thống lưu trữ dữ liệu cũng như vấn đề quyền riêng tư. Đổi lại, số lượng dịch vụ đám mây bạn có thể sử dụng sẽ bị hạn chế, và chi phí duy trì private cloud cũng cao hơn đáng kể so với public cloud.
Điều thú vị là, một số nhà cung cấp public cloud cũng cung cấp private cloud, bằng cách cô lập tài nguyên từ đám mây để dành riêng cho bạn – bạn sẽ không phải chia sẻ tài nguyên với các doanh nghiệp khác, cũng không cần trang bị phần cứng và hạ tầng vật lý để duy trì đám mây của mình.
Hybrid cloud là mô hình Cloud deployment kết hợp giữa public cloud và private cloud. Đây là mô hình phổ biến thứ hai hiện nay bởi nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đáng kể vào phần cứng của riêng mình và muốn sử dụng chúng để đưa hoạt động lên đám mây.
Xây dựng một hybrid cloud có nghĩa công ty sử dụng public cloud, nhưng đồng thời sở hữu các hệ thống tại chỗ của chính họ, và duy trì một kết nối giữa cả hai, cho phép chúng vận hành như một hệ thống đơn nhất.
Do những yêu cầu bảo mật hoặc nhu cầu bảo vệ dữ liệu, một số doanh nghiệp không thể hoạt động trên public cloud, nên họ chọn hybrid cloud để vừa đáp ứng yêu cầu, vừa tận dụng được những lợi thế của public cloud. Lúc đó, họ sẽ chạy các ứng dụng quan trọng với dữ liệu nhạy cảm trên private cloud, và các ứng dụng khác trên public cloud. Băng thông giữa hai đám mây cần được đảm bảo ổn định để liên tục trao đổi dữ liệu theo thời gian thực.
Trong mô hình Cloud deployment multi-cloud, doanh nghiệp sẽ sử dụng nhiều nhà cung cấp đám mây cùng lúc. Nó tương tự như hybrid cloud, tức sử dụng đồng thời public cloud và private cloud.
Tuy nhiên, thay vì kết hợp private với public, multi-cloud sử dụng nhiều public cloud, nhằm tối ưu hóa chi phí. Ví dụ, chạy Microsoft SQL Server trên public cloud Azure sẽ ít tốn kém hơn đáng kể và dễ dàng hơn so với chạy trên các public cloud khác.
Ngoài ra, mô hình Cloud deployment multi-cloud còn đảm bảo hệ thống không bị gián đoạn mỗi khi có sự cố, do luôn có tài nguyên dự phòng sẵn sàng trong những tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, lý do chính cho việc triển khai multi-cloud vẫn là bởi doanh nghiệp cần một dịch vụ cụ thể từ một nhà cung cấp public cloud này, và một dịch vụ khác từ một nhà cung cấp public cloud khác.
Nhược điểm của multi-cloud là chi phí di chuyển dữ liệu cao, quá trình triển khai phức tạp, khó xác định lỗi, và rất khó tối ưu chi phí lẫn tài nguyên.
Mô hình Cloud deployment community cloud dành riêng cho một số doanh nghiệp thuộc cùng một “cộng đồng”. Có nghĩa là nó không phải public cloud, vì không dành cho mọi người, nhưng cũng không phải private cloud, vì có nhiều doanh nghiệp cùng sử dụng.
Ví dụ về community cloud là một đám mây dùng chung bởi các ngân hàng khác nhau. Ưu điểm lớn nhất của community cloud là có thể được tùy biến để đáp ứng các nhu cầu của một cộng đồng nhất định, nhưng vẫn phải đối mặt với những rủi ro tương tự public cloud, dù phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn.
Bài liên quan