Nội dung hấp dẫn là gì? Trong vài năm trở lại đây, khi nhắc đến tạo nội dung cho web, chúng ta không còn gói gọn trong việc viết nữa. Hầu hết các blogger có xu hướng mang nhiều yếu tố đa dạng vào sản phẩm nhằm cho ra những mẩu nội dung hấp dẫn, khiến người đọc muốn dành nhiều thời gian hơn trên website của họ.
Kỹ năng viết hiển nhiên luôn là trọng tâm chính của bất kỳ cây bút nào, nhưng đôi lúc bạn cần thêm một thứ gì đó để thu hút sự chú ý của mọi người. Internet là nơi tràn ngập nội dung, nên tự làm mình nổi bật chắc chắn không phải ý tưởng tồi.
Bài viết này của Hostify.vn sẽ cùng bạn điểm qua một vài ý tưởng giúp tạo nội dung hấp dẫn cho blog của bạn!
Nội dung hấp dẫn là sự kết hợp của văn bản với nhiều yếu tố khác nhằm khiến độc giả bị cuốn hút và thích thú đọc trọn vẹn bài viết. Nội dung hấp dẫn còn thể hiện qua cách cấu trúc nội dung để trông thú vị hơn trong mắt độc giả tiềm năng.
Bạn đã bao giờ ở trong tình huống cảm thấy thích một bài viết này hơn bài viết khác, dù cả hai đều nói về cùng nội dung không? Có lẽ bạn không để ý, hoặc chưa từng tự hỏi tại sao lại như vậy, nhưng rõ ràng trong nội dung mà bạn thích có điều gì đó “mời gọi” hơn. Có thể là thiết kế, phong cách viết, hay đơn giản là một ảnh động.
Những chi tiết nhỏ nhặt đó hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt. Sự thật là, do khối lượng nội dung trên web quá lớn, không ai đủ kiên nhẫn và thời gian để đọc thứ bạn muốn nói, trừ khi nó hữu ích, được trình bày theo hướng tương tác, hoặc có liên quan đến độc giả (khiến họ cảm giác bản thân có vai trò nhất định trong quá trình tạo nội dung của bạn).
Vậy bạn có thể làm gì để tạo nội dung hấp dẫn, lôi kéo người theo dõi? Dưới đây là 7 chiến thuật đã được chứng minh là có hiệu quả để bạn tham khảo.
Nếu đăng tải nội dung dạng ngắn, bạn không thực sự cần đến yếu tố thị giác. Nhưng với nội dung dạng dài (từ 1.000 từ trở lên), bạn nên duy trì sự chú ý của độc giả bằng cách thêm vào một vài hình ảnh minh họa sau mỗi 200-300 từ.
Sau khi đã soạn thảo bản nháp, đừng vội xuất bản ngay. Hãy tìm một bố cục trực quan để trình bày bài viết và truyền tải được thông điệp một cách dễ hiểu hơn.
Bạn có thể chọn nhiều cách trình bày cho đến khi tìm được bố cục phù hợp nhất với loại nội dung đang tạo. Đừng bao giờ đăng bài viết thuần văn bản, trừ khi đó là nội dung dạng ngắn dễ đọc, dễ hiểu.
Khi thấy một bài viết dài với những đoạn văn bản lớn, hầu hết mọi người sẽ thấy…nản, không muốn đọc tiếp. Một số sẽ tìm bài viết khác có thông tin họ cần, nhưng được trình bày theo cách thân thiện và trực quan hơn.
Khi bạn gặp một bài viết sử dụng heading và các đoạn ngắn, bạn thường thấy nó dễ đọc hơn, và do đó sẽ trao cho nó một cơ hội.
Dù số lượng từ tổng thể là như nhau, bài viết với các đoạn ngắn có khả năng thành công cao hơn trong việc mời gọi mọi người đọc tiếp các bài viết khác trên trang, bởi chúng mang lại cho bạn cảm giác “khả thi”. Nghe khá hài hước, nhưng đó là cách mà bộ não con người vận hành đấy!
Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn đọc một cuốn sách. Khi thấy một trang dày đặc miêu tả, với một trang chứa hội thoại (hoặc kết hợp cả hai), bộ não có xu hướng thích trang thứ hai bởi cấu trúc của trang này dễ tiếp cận và dễ quản lý hơn.
Khi bạn tạo nội dung cho web, độc giả muốn được song hành cùng bạn, do đó trừ khi bạn viết cho một tạp chí khoa học hay một website của chính phủ, hãy tìm cách đề cập đến độc giả như thể đang đề cập đến một người bạn vậy.
Những nội dung bâng quơ thường mang lại cảm giác buồn tẻ, và sẽ không lưu lại lâu trong suy nghĩ của mọi người. Khi xây dựng một câu chuyện (ví dụ kể về trải nghiệm du lịch), hãy thêm một chút suy nghĩ cá nhân để tạo được sự đồng cảm từ người đọc.
Ngoài ra, những thuật ngữ chuyên sâu mà không ai hiểu nổi cũng khiến nội dung của bạn bị ảnh hưởng tiêu cực. Luôn viết đơn giản, dễ đọc, và cung cấp đầy đủ thông tin, bao gồm cả các liên kết đến nghiên cứu gốc, nguồn, hoặc các bài viết thống kê mỗi khi bạn đề cập đến một sự việc nào đó.
Thông qua call-to-action (CTA), bạn đang mời mọi người thực hiện một hành động mà bạn muốn họ thực hiện.
Do đó, hãy thoải mái thêm các nút bấm chia sẻ lên mạng xã hội, widget, nội dung nhúng, và các yếu tố khác mà bạn muốn mọi người chú ý. Bất kỳ thứ gì độc giả có thể phản ứng hoặc tương tác đều được tính là nội dung hấp dẫn.
Mẹo này có đôi chút phức tạp, bởi nó đòi hỏi bạn phải tạo form tương tác trước khi tạo nội dung.
Những form tương tác này sẽ cải thiện trải nghiệm của độc giả với nội dung của bạn, và giữ chân họ lâu hơn trên blog. Chưa kể, họ có thể quay lại lần sau và trở thành người theo dõi trung thành của bạn nếu họ cảm thấy thích nội dung bạn viết.
Kể cả khi bạn có xu hướng chuyên về một loại nội dung, hoặc thích một số loại nội dung nhất định, bạn cũng nên suy nghĩ đến việc đa dạng hóa chiến lược. Dù nội dung hấp dẫn đến đâu, mọi người cũng sẽ nhanh chóng cảm thấy buồn chán. Họ luôn muốn thứ gì đó tươi mới.
Vì vậy, hãy thử đăng tải đủ loại nội dung lên blog và xem loại nội dung nào mang lại kết quả tốt nhất.
Thử trộn lẫn và đa dạng hóa lịch đăng bài với các loại bài viết mới, bởi theo cách đó, bạn vừa có thể làm hài lòng độc giả hiện có, vừa thu hút được độc giả mới. Bạn cũng có thể thu thập nhiều dữ liệu thống kê giá trị từ các loại nội dung đăng tải!
Bài liên quan